
Cuốn sách “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” của ông Klaus Schwab hiện được dịch sang 29 ngôn ngữ, xuất bản tại nhiều quốc gia với số lượng phát hành trên 1 triệu bản. Dành tặng cuốn sách này cho người dân Việt Nam, ông Klaus Schwab hy vọng đây sẽ chất xúc tác, động lực, biến Việt Nam trở thành một nhân tố mới trong cuộc CMCN 4.0.
Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ, khi ông mới viết cuốn sách này, công nghệ Blockchain còn rất non trẻ, trí tuệ nhân tạo mới ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên hiện nay tất cả những công nghệ này đã được ứng dụng trong thực tế. Do đó, quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu CMCN 4.0 sẽ thất bại.
Theo Chủ tịch điều hành WEF, không thể xem nhẹ các tác động của CMCN 4.0 đối với các mô hình kinh doanh, các nền kinh tế xã hội ở các khu vực trên thế giới.
Ông cho rằng, CMCN 4.0 không đơn thuần chỉ nắm giữ một công nghệ mà bao gồm nhiều công nghệ khác nhau như: robot, trí tuệ nhân tạo, xe hơi tự lái, y học hiện đại.
Nhận thức được sức mạnh của CMCN 4.0 để tạo ra cơ hội thành công, tinh thần doanh nhân và hệ sinh thái doanh nhân. Trong CMCN 4.0, nhiều ngành nghề sẽ bị mất đi, vì vậy, các chính phủ cần hoạch định ra chính sách để chủ động trước những thách thức, chuẩn bị cho một thời gian thay đổi.
Ông Klaus Schwab nhấn mạnh CMCN 4.0 là một quá trình lâu dài và không thể thấy kết quả ngay trong ngắn hạn và gắn liền với nhu cầu giáo dục để đảm bảo con người, đặc biệt là giới trẻ thích ứng nhanh với công nghệ.
“Chúng ta không nên kỳ vọng rằng CMCN 4.0 chỉ là bật một công tắc mà đòi hỏi phải có một chính sách dài hạn”, ông nói.


Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn là người đầu tiên được Klaus Schwab ký tặng vào cuốn sách dịch sang tiếng Việt. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, cách đây gần 2 năm, tại WEF tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ, ông đã có dịp tiếp xúc với cuốn sách này. Ông Klaus Schwab là người đã giúp ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên giữa Việt Nam và WEF cũng như cho phép bản quyền cuốn sách này được xuất bản tại Việt Nam.
Hà Thu
Nguồn: tienphong.vn