Phân tích thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Đối chiếu các quy định của pháp luật lao hiện hành so với các quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Bộ luật Lao động 2012, chúng ta thấy nhìn chung trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được tiến hành theo trình tự, thủ tục chung đó là:
Hòa giải viên lao động -> hội đồng trọng tài lao động-> đình công.
Tuy nhiên, so với pháp luật hiện hành thì BLLĐ 2012 có một số điểm mới sau đây:
Về thời hạn hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động tiến hành giải quyết tranh chấp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 204 và khoản 2 Điều 201 BLLĐ 2012 thì: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải”. Như vậy, thời hạn để hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải tranh chấp lao động theo quy định của BLLĐ 2012 được kéo dài hơn so với luật lao động hiện hành.
Ngoài ra, luật lao động 2012 có quy định cụ thể hơn về thời hạn, đó là trong thời hạn pháp luật quy định thì hòa giải viên lao động “phải kết thúc hòa giải”.
Điều này cũng được quy định đối với thời hạn giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động. Việc BLLĐ 2012 quy định cụ thể như vậy giúp cho việc giải quyết của hòa giải viên lao động hay của Hội đồng trọng tài lao động được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hạn chế thiệt hại cho các bên trong thời gian xảy ra tranh chấp. Đây là quy định tiến bộ, rõ ràng, tránh được tình trạng như pháp luật hiện hành chỉ quy định “Thời hạn hòa giải là không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải” trong trường hợp hòa giải lao động cơ sở hay “ Thời hạn hòa giải là không quá bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải” đối với hòa giải ở Hội đồng trọng tài lao động. Việc pháp luật hiện hành quy định chung chung như vậy sẽ dẫn đến tình trạng trong thời hạn pháp luật quy định, hòa giải viên hay Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hòa giải, song việc hòa giải không được tiến hành dứt điểm trong thời hạn này mà có thể bị kéo dài (ví dụ: trong trường hợp một bên tranh chấp cố tình kéo dài nên có đơn xin vắng mặt có lý do chính đáng…).
Việc BLLĐ 2012 thêm cụm từ “phải kết thúc hòa giải” đã khắc phục được nhược điểm này của pháp luật hiện hành.
Về thành phần tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động
Theo quy định tại khoản 2 Điều 206 Việc BLLĐ 2012 quy định như vậy là phù hợp với bản chất của hòa giải và trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, thể hiện ý chí tự nguyện của các bên. :
“Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp”.
Theo quy định trên thì điểm mới của BLLĐ 2012 so với pháp luật hiện hành đó là “đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp” thay vì “đại diện công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở và đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp” như quy định của BLLĐ hiện hành.
Về vai trò, thẩm quyền của Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Theo pháp luật hiện hành thì Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên tranh chấp xem xét. Tuy nhiên, theo BLLĐ 2012 thì Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng. Nếu các bên thương lượng được thì sẽ lập biên bản hòa giải thành; Hòa giải viên lao động chỉ đưa ra phương án hòa giải cho hai bên xem xét trong trường hợp hòa giải viên đã hướng dẫn các bên tự thương lượng, mà các bên không thỏa thuận được. Với quy định của pháp luật hiện hành thì thủ tục hòa giải và trọng tài lao động được sử dụng đều mang tính chất bắt buộc trong quy trình giải quyết tranh chấp lao động khi các bên tranh chấp không được đưa ra ý kiến, không được tự thương lượng, thỏa thuận với nhau mà chỉ có một phương án lựa chọn là chấp nhận phương án mà Hòa giải viên lao động hay Hội đồng trọng tài lao động đưa ra. Việc BLLĐ 2012 quy định Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài trước hết là hướng dẫn, hỗ trợ cho các bên thương lượng và chỉ đưa ra phương án cho các bên xem xét nếu các bên không tự thương lượng, thỏa thuận được phản ánh đúng với bản chất của hòa giải và trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, thể hiện ý chí tự do thỏa thuận, tự nguyện của các bên.
Về quy định Hội đồng trọng tài lao động sau khi lập biên bản hòa giải thành có quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận trong trường hợp hòa giải thành.
Nếu như pháp luật hiện hành quy định Hội đồng trọng tài lao động chỉ có quyền lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành thì BLLĐ 2012 quy định thêm thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động, cụ thể: Hội đồng trọng tài lao động sau khi lập biên bản hòa giải thành có quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận trong trường hợp hòa giải thành. Đây là quy định mới, tiến bộ của BLLĐ 2012, phản ánh đúng bản chất của trọng tài được xem là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính tài phán, trọng tài được ra quyết định giải quyết tranh chấp.
Về quy định thời hạn tập thể lao động tiến hành thủ tục đình công.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 206 BLLĐ 2012:
“Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 30 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công”
Theo BLLĐ hiện hành thì trường hợp Hội đồng lao động hòa giải không thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà Hội đồng trọng tài không tiến hành hòa giải thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục đình công. Điều đó đồng nghĩa với việc cuộc đình công có thể được tiến hành ngay sau khi kết thúc buổi hòa giải hoặc ngay sau khi hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà Hội đồng trọng tài không tiến hành hòa giải. Việc BLLĐ 2012 quy định cụ thể thời hạn tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục đình công trong hai trường hợp hòa giải thành và hòa giải không thành đã khắc phục được hạn chế của pháp luật lao động hiện hành. BLLĐ 2012 quy định một khoảng thời gian hợp lý để các bên thực hiện thỏa thuận trong trường hợp hòa giải thành; trong trường hợp hòa giải không thành thì người lao động có thời gian chuẩn bị cho việc tiến hành các thủ tục để đình công.
>>>>> Xem thêm: Dịch vụ kế toán thuế giá rẻ